GIÚP TRẺ LÀM CHỦ CẢM XÚC
Tiến sĩ Matthew Rouse - nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện Tâm trí Trẻ em cho biết các vấn đề kiểm soát cảm xúc là sự kết hợp giữa tính cách và hành vi học được. Một bạn nhỏ có khả năng bẩm sinh để tự điều chỉnh là xuất phát từ tính cách, còn một em bé gặp khó khăn trong việc tự làm dịu cảm xúc của mình có thể sẽ gặp nhiều rắc rối và khó khăn với sự tự điều chỉnh khi lớn lên.
Vì thế việc dạy con biết các kỹ năng kiểm soát cảm xúc là rất quan trọng, bố mẹ có thể giúp trẻ tự kiểm soát cảm xúc của mình bằng cách tham khảo các bí quyết dưới đây:
Đặt ra quy tắc
Việc đặt ra các quy tắc trong gia đình, giải thích lý do vì sao phải đặt ra quy tắc và tạo thành thói quen sẽ giúp con hiểu con sẽ phải làm gì và như thế nào là phù hợp. Ví dụ như: không được đánh nhau, không được nói tục, không được vứt đồ ăn…, và nếu ai không tuân thủ nguyên tắc sẽ bị phạt.
Gọi tên được cảm xúc của mình
Nhiều khi một đứa trẻ không thể nói được cảm xúc của mình trong lúc buồn bã hoặc tức giận. Chính vì vậy, bố mẹ cần dạy con nhận biết, nói được tên cảm xúc của mình và gợi ý hành vi sao cho phù hợp với tâm trạng đó. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy động viên trẻ nên bộc lộ cảm xúc như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh và cũng đừng quên sử dụng những ngôn từ phù hợp, không sử dụng các câu mệnh lệnh hay yêu cầu con.
Dạy trẻ kỹ năng giải quyết tình huống và kiềm chế tức giận
Mỗi khi bạn tức giận hoặc trong một hoàn cảnh mất kiểm soát bạn sẽ làm gì để bình tĩnh lại? Nếu bạn đã đặt ra những gợi ý để tự kiềm chế cảm xúc của mình thì em bé của bạn cũng có thể học theo những cách làm ấy. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn và dạy trẻ cách giải quyết vấn đề bố mẹ cũng nên nhìn nhận rõ hoàn cảnh, đánh giá tiềm năng và khả năng của trẻ để có những giải pháp phù hợp.
Ví dụ như: khi con gặp một bài toán khó và có xu hướng cáu gắt, bỏ cuộc thì bạn hãy khuyến khích trẻ bình tĩnh, giải lao 1 chút, ăn 1 ít đồ ăn vặt, uống 1 cốc nước, hít thở thật sâu và đưa ra nhiều giải pháp xem cái nào khả thi nhất.
Dạy con những câu nói tích cực
Dạy con một vài cụm từ tích cực đơn giản, dễ nhớ để con có thể tự nói với bản thân sẽ giúp con kiểm soát được bản thân trong các tình huống. Ví dụ như: “Con có thể bình tĩnh lại”, “Con sẽ làm tốt hơn”, “Mọi chuyện sẽ có cách giải quyết”...Bố mẹ có thể giúp con thực hành bằng cách đặt con vào 1 tình huống cụ thể để con tự nói ra cách giải quyết và thực hiện các câu nói ấy nhé
Thống nhất hình thức kỷ luật
Dù tình huống diễn ra ở nhà hay bên ngoài thì hình thức kỷ luật cũng nên giống nhau và được thống nhất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hình thức kỷ luật Timeout có hiệu quả. Hãy giải thích cho con bạn những gì sẽ diễn ra trong quá trình kỷ luật và hết thời gian kỷ luật con sẽ trở lại cảm xúc như thế nào. Hãy giữ thói quen giống nhau càng nhiều càng tốt, nó sẽ giúp kiểm soát được những hành vi gây ra bất đồng.
Khen thưởng con khi con biết kiểm soát cảm xúc của mình
Khi trẻ biết kiểm soát được hành vi và cơn tức giận của mình, hãy đưa ra những phần thưởng khuyến khích hoặc những lời khen, động viên con. Khen ngợi con sẽ giúp bé có động lực để thay đổi hình ảnh bản thân thành người có khả năng xử lý cảm xúc
Là 1 tấm gương tốt
Có lẽ việc làm gương chính là cách hữu hiệu cho mọi phương pháp giáo dục. Hành vi của cha mẹ là biểu hiện trực tiếp nhất về sự tín nhiệm của họ. Bởi những gì khiến người khác thực sự tin tưởng đều được thể hiện thông qua hành vi.
Mặc dù cảm xúc là tự nhiên nhưng chúng ta có thể quản lý nó trước hết bằng cách thay đổi suy nghĩ, từ đó sẽ thay đổi và chuyển hóa cảm xúc. Tư duy tích cực sẽ tạo ra cảm xúc tích cực. Bản chất sự việc là bất biến, duy chỉ có một điều chúng ta có thể thay đổi được chính là thay đổi suy nghĩ, cách nhìn nhận của bản thân đối với sự việc đó theo chiều hướng tích cực hơn.